khuyết tật sơn xe ô tô

Khuyết tật sơn xe ô tô | 23 loại phổ biến nhất

Khuyết tật sơn xe ô tô không chỉ có trên xe cũ mà còn có trên cả xe mới mua. Trong detailing, dịch vụ hiệu chỉnh sơn sẽ giúp loại bỏ, làm mờ các khuyết điểm này. Một chiếc xe bóng như soi gương nhìn sẽ cực kỳ thỏa mãn. Mình có tìm hiểu nhiều nguồn khác nhau và đúc kết cả từ kinh nghiệm cá nhân ra 23 loại khuyết tật sơn xe ô tô. Sau đây là danh sách của chúng. Hy vọng có thể giúp được các bạn kỹ thuật viên, detailer học hỏi được nhiều hơn. Ngoài ra, chủ xe cũng có thể đọc bài này để có kiến thức nhất định về ô tô, tránh bị các garage lợi dụng, lùa gà.

Phân loại các khuyết tật sơn phổ biến trên xe ô tô

Trước khi liệt kê danh sách thì phải có phân loại trước ha. Mục đích là thống nhất hệ quy chiếu với các bạn. Nhìn chung, các khuyết tật sơn xe ô tô sẽ được phân vào hai nhóm:

Nhóm A: Khuyết tật, nhiễm bẩn trên bề mặt sơn (Topical defects and contamination)

xe cổ

Những vết xước hay ố sẽ được gọi là khuyết tật sơn. Nếu chúng xuất hiện trên bề mặt sơn hay bề mặt các vật liệu khác thì chia vào nhóm A. Những vết này thường khá nhẹ nhàng và có thể loại bỏ bằng rửa xe detailing hoặc tẩy rửa (decontamination process). Công đoạn này thường cần tới các dụng cụ chuyên dụng như clay đất sét hay khối tẩy ố. Các hóa chất đặc biệt có thể hỗ trợ bạn phân rã các vết ố, nhiễm bẩn cứng đầu hơn để nhẹ nhàng tẩy rửa mà không tạo thêm khuyết tật sơn.

Và cũng có một số loại khuyết tật ở nhóm này, nếu để lâu ngày không tẩy rửa, loại bỏ nó đi thì sẽ chuyển thành nhóm B, một dạng khác nguy hiểm hơn.

Nhóm B: Khuyết tật sơn xe ô tô dưới bề mặt sơn (Below surface paint defects)

volkswagen cổ

Những vết này xuất hiện ở bên dưới các lớp của bề mặt sơn xe ô tô. Có thể là dưới lớp bóng (lớp trên cùng sơn xe) hoặc thậm chí là sâu hơn nữa. Hóa chất tẩy rửa có thể làm sạch được các vết nhiễm bẩn này nhưng mất công hơn. Tuy nhiên, phần lớn khuyết tật thuộc nhóm này chỉ có thể loại bỏ qua việc đánh bóng bằng máy, hay rộng hơn là làm hiệu chỉnh sơn xe.

Đánh bóng bằng máy có quỹ đạo ngẫu nhiên là tốt nhất để xử lý các khuyết tật thuộc nhóm này.

Kỹ thuật viên muốn loại bỏ các khuyết tật sơn thuộc nhóm này cũng cần nhiều kiến thức, kinh nghiệm và khả năng đánh giá chính xác hơn. Lí do là những vết bẩn, xước, ố này ở dưới bề mặt sơn. Vì vậy, quá trình loại bỏ có rủi ro làm hỏng bề mặt sơn vĩnh viễn nếu chưa có kinh nghiệm. Những kiến thức để đánh giá chính xác tình trạng sơn này rất rộng. Vật liệu lớp nền là gì. Loại sơn ra sao. Tuổi đời của lớp sơn. Tình trạng lớp bóng. Và rất nhiều kiến thức khác.

Nguyên tắc khi loại bỏ khuyết tật sơn ô tô thuộc nhóm này là ‘luôn bắt đầu với những thứ nhẹ nhất’. Mục đích cuối cùng là làm đẹp sơn xe mà vẫn bảo toàn được tình trạng nguyên bản của bề mặt.

Cách dễ nhất để xác định, phân loại và kiểm tra tình trạng các khuyết tật trên sơn xe ô tô

đèn scangrip hiệu chỉnh sơn

Để xác định, chẩn đoán được chính xác mức độ nghiêm trọng của các khuyết tật sơn xe ô tô thì đầu tiên, phải nhìn được rõ nhất các vết đó.

Vì vậy, bạn cần có đủ ánh sáng để làm được việc này. Ngoài ra ánh sáng phải đủ tốt, có độ hoàn màu cao để bạn xác định được vết xước đó thuộc dạng nào. Vì thế, các rất nhiều hãng làm đèn chuyên dụng cho ngành detailing. Bạn có thể tham khảo Scangrip của Đan Mạch. Đừng vì đắt tiền mà không đầu tư, dùng đèn lởm. Đèn lởm thì dịch vụ cũng lởm theo thôi.

Ok. Giờ bắt đầu vào danh sách các khuyết tật sơn xe ô tô nhé. Mình sẽ chú thích luôn cái nào thuộc nhóm A, cái nào thuộc nhóm B.

23 loại khuyết tật sơn xe ô tô

Xước quầng, xước mạng nhện (nhóm B)

Loại xước này đảm bảo có trên gần như mọi loại xe ô tô. Xước quầng hay xước mạng nhện sẽ làm giảm độ bóng và độ phản chiếu của bề mặt sơn. Ngoài ra, nhìn bằng mắt thường sẽ thấy sơn bị bạc màu.

Đây là tổng hợp của rất nhiều vết xước nhỏ chồng lên nhau. Nó làm phân tán khúc xạ ánh sáng ra nhiều góc khác nhau. Hậu quả là mắt chúng ta sẽ thấy xe bị bạc màu hơn, trông khá khó chịu.

Một số nguyên nhân tạo nên xước quầng

khuyết tật sơn xe ô tô xước quầng

  1. Rửa xe không đúng kỹ thuật. Mấy ông mà rửa xe 60k ngoài tiệm hay rửa thông thường chắc chắn bị cái này. Vì họ rửa nhanh, cái khăn họ chà thân xe không giặt sạch đất cát. Và đất cát đó sẽ làm xước quanh xe luôn.
  2. Thời gian rửa xe không đủ lâu. Công đoạn rửa cần đủ lâu để các chất nhiễm bẩn được làm mềm và loại bỏ phần lớn thì khi chà bằng khăn, găng tay rửa xe mới hạn chế xước được.
  3. Thao tác rửa sai. Ví dụ như cầm găng tay chà theo chiều ngang được lúc rồi lại chà chiều dọc. Hay chà kiểu xoay vòng tròn. Thậm chí là chà dưới lườn xe (chỗ nhiều đất cát nhất) xong rồi mang nguyên đất cát lên chà ca pô.
  4. Khu vực chà trong một lần lấy bọt quá rộng. Cái này là với quy trình rửa xe 3 xô. Mỗi lần lấy bọt chỉ chà 1 panel thôi chẳng hạn. Sau đó phải giặt sạch găng rửa xe rồi lại lấy bọt chà panel tiếp theo. Ông nào thích đốt cháy giai đoạn chà liên tục từ panel này sang panel khác mà không giặt găng tay thì hỏng.
  5. Găng tay rửa xe quá thô. Găng tay rửa thân xe tốt nhất hiện tại là loại lông cừu. Mấy chỗ rửa thông thường dùng khăn, giẻ gì đó trông đen đen nâu nâu ý. Vừa rửa vừa tạo thêm xước. Căn bản chất liệu của nó quá thô.
  6. Chà rửa phần bên trên xe sau khi chà rửa phần bên dưới. Tức là ông chà lườn, hốc lốp xong rồi mang cái miếng bông đó lên trên capo, cửa, nóc chà ý. Phần dưới xe thường bẩn hơn, nhiều đất cát hơn phần trên. Thôi thì để xe xước đều cũng được ha =)))))))

Nhìn chung, rửa xe đúng kỹ thuật thì sẽ hạn chế gây ra cái xước này. Hạn chế thôi nha. Chứ không phải không gây ra 100%. Còn bạn nào muốn tìm hiểu rửa xe detailing đúng cách thì click vào đây giúp mình ạ.

Marring (nhóm B)

Mình cũng không biết đọc tên nó trong tiếng Việt nó là gì. Tiếng Anh đọc là ma-rinh. Nhiều người nhầm lẫn nó với những vết xước truyền thống. Tuy nhiên, khác với xước truyền thống, vết marring không có rãnh sắc và sâu. Nó thường được gây ra bởi ma sát, va chạm nhẹ.

khuyết tật sơn xe ô tô marring

Những vết marring dễ nhận ra nhất trên nền sơn đen, đặc biệt là màu đen của xe Lexus. Loại khuyết tật sơn xe ô tô này thường được gây ra khi có vật khác trượt qua bề mặt sơn. Ví dụ như đi rừng, cành cây quẹt vào thân xe sẽ có thể tạo vết xước này. Hoặc đi cao tốc có đá dăm cũng tạo nên vết này.

Kỹ thuật viên khi làm xe cũng có thể tạo ra marring. Nguyên nhân có thể do clay đất sét nhưng dùng quá ít chất bôi trơn hoặc lực nhấn quá mạnh. Ngoài ra, găng tay rửa xe với vật liệu quá thô cũng có thể gây vết marring như hình.

Và trong hầu hết trường hợp, để loại bỏ vết marring, ta sẽ đánh bóng với pad và xi có độ cắt thấp.

Marring dạng nhỏ – Micro marring (nhóm B)

Nó còn có tên khác là DA Haze. Khác biệt một chút so với vết marring. Nếu marring là các vết dài thì micro marring chỉ có các vệt nhỏ, thậm chí là các dấu chấm tròn. Và đặc biệt, nguyên nhân gây ra nó không phải do chủ xe hay môi trường mà chỉ đến từ người cầm máy đánh bóng.

marring dạng nhỏ

Loại khuyết tật sơn này có tên DA Haze vì nó là hậu quả của việc dùng máy đánh bóng lệch tâm (DA Polisher) sai cách. Thường là do kỹ thuật viên sử dụng sai pad đánh bóng, xi đánh bóng hoặc thao tác đi máy, thời gian đi máy không phù hợp.

Micro marring dễ thấy nhất trên loại sơn đen. Các màu sơn khác cũng có micro marring nhưng khó nhìn ra hơn. Để xử lý cái này thì thao tác cùng kinh nghiệm đánh giá bề mặt của kỹ thuật viên cần chuẩn xác hơn thôi. Đặc biệt, sau mỗi lần đánh bóng thì miếng pad phải được làm sạch, tránh dị vật len vào.

Xước hologram và buffer trail (nhóm B)

Lại thêm một loại xước được sinh ra bởi đôi bàn tay kỹ thuật viên =)))))) Khá may là những vết xước này dễ dàng loại bỏ như những khuyết tật sơn thuộc nhóm A. Detailer với máy đánh bóng đồng tâm đi quá nhanh hoặc để tốc độ quá cao sẽ gây ra những vết này. Dễ loại bỏ nhưng không để ý thì cực kỳ khó chịu.

khuyết tật sơn xe ô tô xước hologram

Vấn đề ở đây là nó thường xảy ra khi lớp sơn đã hoàn thiện xong, tức quá trình hiệu chỉnh sơn đã hoàn thành rồi ý. Một yếu tố tác động đến điều này là workshop quá đông xe, gây áp lực vội vàng lên kỹ thuật viên.

Trong quá trình hiệu chỉnh sơn, những kỹ thuật viên xấu tính hay chơi ‘bùa’ với loại xước này. Với xi đánh bóng hoàn thiện hoặc wax, họ có thể dễ dàng che lấp những vết xước kiểu này. Và khách hàng, sau một khoảng thời gian di chuyển và rửa xe vài lần, lớp wax trôi đi và hologram hiện nguyên hình. Lúc này xưởng cũng không nhận lỗi và cho rằng khách đi lại nhiều thì đương nhiên là có xước…

Anh em nào làm chủ xưởng nhớ thuê detailer uy tín có tâm nhé. Nhiều ông vội vàng, ẩu làm chả trách nhiệm gì đâu. Cách xử lý các vết hologram và buffer trail này là làm đúng ngay từ đâu, tức kỹ thuật viên phải làm việc tập trung và trách nhiệm.

RIDS – Random Isolated Deep Scratches (Nhóm B)

Thuộc nhóm B là xước ở dưới lớp bóng của sơn nha. Lúc kiểm tra xe để nhận xe bạn sẽ ít khi thấy các vết xước này. Lí do là nó đã được ngụy trang bởi các khuyết tật sơn nhóm A và các vết xước quầng. Vì vậy, khi đưa xe vào hiệu chỉnh sơn, chúng mới dần lộ diện.

xước RIDS khuyết tật sơn xe ô tô

Và tùy vào độ nghiêm trọng, xước RIDS có thể được loại bỏ hoàn toàn hoặc chỉ làm mờ được. Nếu vết xước này sắc, màu trắng và có thể cảm nhận rõ bằng móng tay thì chắc chắn là bạn chỉ làm mờ được thôi. Làm mờ bản chất là mài mòn các góc của vết xước, làm nó ngắn và hẹp lại. Và ngược lại, xước nông, ngắn không có màu trắng thì chắc chắn là bạn có thể xóa được.

Vì xước này ban đầu bị xước quầng lấp mất nên khách hàng cũng không biết đến sự tồn tại của nó. Nhiều khách hàng chưa biết đến điều này có thể đổ lỗi cho kỹ thuật viên.

Và để tránh được rủi ro hiểu nhầm này, workshop và khách hàng nên có sự thống nhất từ đầu. Ngoài ra, workshop cũng cần cập nhật tiến độ làm việc trước sau để đảm bảo sự minh bạch, giữ uy tín cho thương hiệu. Vì thế trong các bài viết về quy trình, tôi đều nhấn mạnh sự quan trọng của bước ‘Kiểm tra tình trạng xe’.

Phân chim hạng nhẹ – Bird bombs (Nhóm A)

Phân chim có thể gây ố bề mặt sơn, kính xe khi được nằm đủ lâu. Và nếu lâu quá, ví dụ một vết phân chim một tháng không được rửa trôi thì loại khuyết tật sơn xe ô tô này sẽ chuyển sang nhóm B.

phân chim hạng nhẹ

Bên trong phân chim có cả axit và protein. Hợp chất này ăn mòn lớp sơn và tạo thành ố trên bề mặt.

Để kiểm tra, nếu vết phân chim này dễ dàng loại bỏ với hóa chất chuyên dụng (ví dụ CarPro Spotless) thì nó thuộc nhóm A. Còn nếu chà hoài không sạch thì mời bạn đọc tiếp phần sau.

Phân chim hạng nặng – Bird etchings (Nhóm B)

Cũng là phân của chim rơi lên bề mặt sơn xe. Nhưng vì quá lâu không rửa nó đi nên nó khắc sâu vào lớp bóng ô tô. Bạn có thể thấy nó như một miệng núi lửa nhỏ trên sơn. Độ nghiêm trọng của chúng dựa vào hai yếu tố: Độ cao khi phân chim rơi và thời gian nó nằm im trên bề mặt.

phân chim hạng nặng

Như phần trên đã viết, axit và protein sẽ ăn mòn bề mặt sơn. Rất nguy hiểm nha. Và độ nguy hiểm của phân chim còn phụ thuộc vào cả loại chim cùng chế độ ăn uống của nó. Và qua khảo sát, phân chim ở nông thôn nguy hiểm hơn phân chim ở thành phố. Do ở nông thôn, chim ăn nhiều các loại hạt và rau nên phân có độ axit mạnh hơn.

Hầu hết các vết phân chim hạng này này có thể loại bỏ qua đánh bóng bằng máy. Tuy nhiên, một vài vết hạng quá nặng chỉ có thể làm mờ được thôi nhé.

Và để hạn chế rủi ro, khi hiệu chỉnh sơn, hãy bào mòn từ nhẹ đến nặng dần. Chứ đừng chơi hạng nặng ngay từ đầu và cố chấp tẩy một vết quá nặng. Có khi chi phí sơn lại vết đó lại tốn kém hơn và bạn có thể mất luôn khách hàng.

Và nhớ một điều là có vấn đề thì hãy trao đổi thẳng thắn, minh bạch với khách hàng của mình. Hãy đưa thêm các phương án cho khách hàng lựa chọn.

Ố nước nhẹ (Nhóm A)

Đây là những hạt nước (nước mưa, nước lã, nước giếng,…) sau khi phần nước bay hơi, phần khoáng sẽ ở lại trên bề mặt tạo thành ố. Những hạt nước trên bề mặt xe này, không đơn thuần chỉ có khoáng mà còn chứa rất nhiều chất bẩn có hại cho bề mặt sơn.

ố nước nhẹ khuyết tật sơn xe ô tô

Bề mặt sơn không đặc như nhiều người nghĩ mà có rất nhiều lỗ (như lỗ chân lông trên da). Hạt nước khi bay hơi vì nhiệt độ nắng nóng sẽ để lại khoáng. Chúng sẽ ngấm vào các lỗ chân lông trên sơn tạo thành ố. Nhìn cực kỳ khó chịu.

Nhìn chung loại ố này mới được hình thành nên cũng dễ làm sạch. Rửa xe detailing. Rửa xe không chạm. Rửa xe không nước. Làm sạch bằng hóa chất chuyên dụng (CarPro Spotless). Bốn cách này đều có thể loại bỏ ố nước nhẹ trên sơn.

Ố nước hạng trung (nhóm B)

Nặng hơn loại trên, một phần các cặn khoáng bẩn đã ăn xuống dưới lớp bóng. Vì vậy, loại khuyết tật trên sơn xe ô tô này được xếp vào nhóm B. Hình dạng ố tương tự như miệng núi lửa với viền đậm. Với loại này, chúng ta không thể làm sạch bằng cách rửa xe detailing. Rửa thông thường giá rẻ càng không, có khi còn thêm ố.

ố nước hạng trung khuyết tật sơn xe ô tô

Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào độ dày của lớp khoáng hoặc loại hóa chất ăn mòn lên sơn xe. Thông thường, có thể làm sạch chúng bằng hóa chất chuyên dụng (CarPro Spotless). Hóa chất này sẽ phá vỡ kết nối phân tử khoáng của vết ố và nâng nó lên bề mặt. Bạn chỉ cần chà nhẹ nhàng và xả sạch là xong. Tuy nhiên, một vài vết khắc sâu hơn vào bề mặt sơn thì chỉ loại bỏ được bằng cách đánh bóng với máy.

Ố nước hạng nặng (nhóm B)

Loại này là tệ nhất trong các loại ố nước. Cặn khoáng đã ngấm sâu xuống tận lớp sơn, thậm chí là lớp tôn và đang ăn mòn bề mặt rồi. Độ nghiêm trọng của loại ố nước này có phụ thuộc vào các yếu tố sau (có thể còn nữa):

ố nước hạng nặng khuyết tật sơn xe ô tô

  1. Loại và độ đặc của cặn khoáng/hóa chất còn lại sau khi nước bay hơi.
  2. Loại sơn trên xe và loại nền trên xe. Ví dụ như sơn xe Nhật thường mềm hơn xe Đức và khó tẩy ố hơn.
  3. Môi trường gây ố. Như Hà Nội nắng nóng thì khả năng gặp ố nước hạng nặng là rất cao. Đà Lạt tuy mưa nhiều nhưng lại mát mẻ, ẩm nên nước khó bay hơi, khó ố nặng hơn.
  4. Thời gian cặn khoáng tiếp xúc với bề mặt sơn. Để càng lâu ố càng nặng.
  5. Có bao nhiêu vết ố chồng lên nhau. Kiểu đã ố ở chỗ đấy rồi xong mấy tuần sau mưa rồi lại ố nặng thêm.

Nhìn chung, sơn xử lý nhiệt một lần, sơn mềm, sơn có lớp phủ gel, kính là những loại có nhiều lỗ chân lông hơn thông thường. Mà nhiều lỗ hơn thì dễ ố hơn. Mà đã ố thì dễ ố nặng hơn. Anh em lưu ý tư vấn cho khách nha.

Cách loại bỏ thì chỉ có đánh bóng bằng máy thôi. Đánh bóng thì hầu hết sẽ hết nhưng số ít chỉ mờ đi thôi. Ngoài ra cần nâng được khoáng lên bề mặt trước rồi mới đánh bóng thì sẽ dễ dàng hơn (mình tẩy bằng CarPro Spotless).

Ố nước ma quỷ (nhóm B)

Ngành này nó ảo lắm. Loại ố nước này xuất hiện lại sau vài ngày hoặc vài giờ hiệu chỉnh sơn hoặc phủ ceramic. Chơi khó nhau vãi luôn =)))))

Thông thường hiệu chỉnh sơn sẽ có đánh bóng. Mấy ông đánh bóng dùng máy đồng tâm và một số không kiểm soát được máy lệch tâm hay gặp. Khi đánh bóng mà không kiểm soát được, bề mặt sơn sinh nhiệt và nở ra, che lấp các vết ố. Lúc này mình lại tưởng là hết rồi… Vì thế nên trong ngành mới có nguyên tắc ‘làm đúng ngay từ đầu’ đó.

Nếu xưởng nào có tâm thì lại phải tẩy rửa lại xe, xóa hết lớp ceramic đi. Sau đó, hiệu chỉnh sơn và phủ ceramic lại. Xưởng nào không có tâm thì bảo là ‘xe anh đi mưa nó ố thêm đấy’. Có mà bố láo ăn cắp. Mình trả đủ tiền thì nhớ đòi quyền lợi nha.

Nhựa đường (nhóm A)

Nhựa đường sinh ra từ mặt đường. Trong quá trình di chuyển, nhiệt từ môi trường sẽ hóa lỏng nhựa đường. Lốp sẽ cuốn theo chúng và bắn lên thân xe. Lớp nhựa đường này không phải mỗi nhựa đường đâu nha. Còn cả hạt cao su từ lốp và vô vàn chất bẩn khác nữa.

nhựa đường trên sơn xe

Nhựa đường tập trung nhiều nhất ở phần lườn dưới xe. Các khu vực cũng đều có nha, ít hơn thôi. Hạt nhựa đường rất nhỏ và có thể bay trong không khí.

Thường thì nó cũng chả hại gì cho sơn xe đâu. Nhưng nếu để lâu quá thì nó cũng ngấm luôn vào lỗ chân lông trên sơn, tạo hư tổn vĩnh viễn. Ngoài ra trông nó còn xấu nữa. Phần lườn nhiều nhựa đường nhìn như kiểu xe lúc nào cũng bị bắn bùn lên ý.

Với cái thời tiết nắng nóng như Việt Nam thì lượng nhựa đường đẻ ra là siêu lớn luôn. Theo nghiên cứu, nhiệt độ môi trường từ 27 độ C trở lên là đã tạo ra nhựa đường trên thân xe rồi.

Để loại bỏ nhựa đường thì cũng khá dễ, nếu bạn có đúng hóa chất và dụng cụ. Mình dùng CarPro TarX, xịt lên bề mặt và ngâm tầm 2 phút. Sau đó chà nhẹ nhàng bằng một miếng applicator microfiber. Xả sạch với nước là xong. Đảm bảo sơn xe sáng sủa đẹp trai hơn nhiều.

Phồng sơn (nhóm B)

Cái này không phải xước, cũng chả phải móp méo gì. Lỗi khuyết tật sơn xe ô tô này do detailer gây ra nha.

Trong khi hiệu chỉnh sơn, cụ thể là bước đánh bóng, anh em nào chưa kiểm soát được máy, thao tác thì hay gây nhiệt quá cao cho bề mặt sơn. Lúc này, các lỗ chân lông trên sơn sẽ nở ra. Một khi nó nóng lên rồi thì rất lâu sau mới về trạng thái ổn định. Mà đã nở ra thì nó sẽ che đi hết xước. Nó làm mình ảo tưởng là mình đánh bóng giỏi. Thực chất là đéo. Khách nhận xe vài ngày xem lại xước y nguyên. Lúc đó thì siêu xấu hổ.

Không những thế, phồng sơn còn làm sơn mềm hơn, dễ bị xước, bị các chất bẩn len lỏi vào. Để xử lý thì anh em detailer phải làm nhiều, cảm nhận bề mặt sơn nhiều thì mới có kinh nghiệm và nguyên tắc riêng cho mình thôi.

Bụi sơn, mạt sắt (nhóm A)

Cái này đảm bảo 100% xe nào cũng có luôn. Chỉ cần bạn đi ngoài đường là xe bạn sẽ có những thứ này. Bụi sơn sinh ra trong không khí, bụi khí thải công nghệ, xe cộ,… Mạt sắt sinh ra nhiều nhất từ việc mài mòn khi phanh xe (quanh bạn mỗi ngày có hàng ngàn xe đang phanh). Những hạt này rất nhỏ. Nó sẽ bay trong không khí và bám lên bề mặt sơn. Sau đó, chúng len lỏi vào những lỗ chân lông trên sơn. Để ít ngày 1 2 tuần thì chả sao. Nhưng nếu quá lâu không làm sạch, những hạt này ăn sâu vào sơn hơn và làm rỉ sét lớp tôn. Dễ thấy nhất là mâm xe cũ bỉ rỉ.

mạt sắt trên sơn xe

Bụi sơn và mạt sắt không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Tuy nhiên, bạn có thể càm nhận được chúng. Lướt lòng bàn tay trên bề mặt sơn. Nếu mượt là có rất ít. Còn thô thô như giấy chà nhám thì có kha khá bụi sơn mạt sắt đó.

Tay ông nào không có dây thần kinh thì bọc tay bằng một cái túi nilon. Nếu cái túi lướt trên bề mặt trơn tru là rất ổn. Còn vừa lướt vừa giật giật khựng khựng, đi kèm là tiếng kêu do ma sát nilon thì chắc chắn bề mặt sơn xe này cần tẩy rửa.

Để tẩy rửa bụi sơn, chúng ta thường dùng phương pháp clay đất sét. Sử dụng nó kết hợp với chất bôi trơn sẽ giúp bạn lấy được hết bụi sơn ra khỏi bề mặt xe.

Còn mạt sắt, chúng ta sẽ tẩy rửa bằng hóa chất chuyên dụng. Cái hóa chất này hay lắm (mình dùng CarPro IronX). Hóa chất trong chai sẽ đẩy mạt sắt ra khỏi bề mặt và hòa tan chúng. Đặc biệt, hiệu ứng hòa tan này còn chuyển màu cơ. Nếu bạn xịt IronX lên mâm xe mà sau 3 phút nó chuyển thành màu tím đỏ thì cái mâm này siêu nhiều mạt sắt.

Việc tẩy bụi sơn mạt sắt trên xe là công việc bắt buộc nếu bạn muốn làm hiệu chỉnh sơn xe tốt.

Nhựa cây (nhóm A)

Bạn hay đỗ xe dưới gốc cây, để hoa quả rơi đầy xe. Nhựa chắc chắn ít nhiều sẽ dính lên bề mặt. Lúc đầu nó ở dạng lỏng sệt. Sau nhờ có ánh nắng mặt trời, chúng dính chặt lên bề mặt và cứng như nhựa.

khuyết tật sơn xe ô tô nhựa cây

Khi nhựa cây tồn tại trên bề mặt lâu quá, các vết nhựa cây có thể khắc vào bề mặt sơn. Mặc dù không tạo ố như ố khoáng nhưng nó có thể làm bay màu sơn xe, vĩnh viễn. Vì vậy, tốt nhất tránh đỗ dưới gốc cây, đặc biệt là cây nào đang mùa rụng hoa lá.

Nhìn chung, nhựa cây có thể loại bỏ dễ dàng khi clay đất sét cùng hóa chất bôi trơn. Một số vết cứng đầu hơn thì có thể ngâm trước với hóa chất làm mềm vết bẩn (CarPro Lift) hoặc hóa chất tẩy khoáng (CarPro Spotless).

Trầy sơn do va chạm (nhóm B)

trầy sơn do va chạm

Vết này có thể thấy khi bạn và xe khác hôn nhau. Hôn nhẹ thôi nha. Kiểu quệt tí tí. Nó để lại các vệt sơn của xe người ta trên xe bạn, vết hôn đó. Những vết này thường được đánh đồng với các vết xước quầng, xước nhỏ. Lí do là nó cũng khá dễ loại bỏ. Đánh bóng là hết liền à.

Sơn quá nhiều (nhóm A)

Trong quá trình sơn xe, chất lỏng là sơn được nguyên tử hóa và phun ra các hạt rất nhỏ. Những hạt này sẽ bám chặt lên bề mặt xe nếu bạn xịt đều. Còn nếu bạn xịt nhiều quá, những hạt này sẽ chạy nhảy lung trên bề mặt sơn xe. Đó là các đốm trắng trắng như ảnh. Và có thể thấy là chúng dễ thấy nhất trên xe màu đen. Xe trắng nhìn lòi con mắt.

sơn quá nhiều khuyết tật sơn xe ô tô

Và rất may mắn là chúng thuộc nhóm A, dễ làm sạch. Rửa xe detailing kết hợp ngâm hóa chất làm mềm vết bẩn (CarPro Lift) cùng một lượt clay đất sét quanh xe sẽ làm hết sạch các hạt sơn khó chịu này. Trông mất màu thật của xe mà.

Xác côn trùng, bọ, thiêu thân (nhóm A)

Xe bạn phóng nhanh, đặc biệt là ban đêm sẽ thu hút rất nhiều côn trùng lao vào và hy sinh ở đầu xe. Những cái xác này mà không được làm sạch sớm nhất có thể thì xin phép chuyển chúng sang nhóm B. Tương tự như phân chim, ruột của côn trùng cũng chứa nhiều protein và axit rất có hại, ăn mòn bề mặt sơn xe. Côn trùng càng to thì khả năng ăn mòn bề mặt càng mạnh.

xác côn trùng khuyết tật sơn xe ô tô

Nếu xe còn khá sạch nhưng có nhiều xác côn trùng thì có thể lau sạch chúng với khăn microfiber. Tốt nhất vẫn là rửa với súng xịt áp lực để đẩy sạch lớp axit ăn mòn đi. Có vầy thôi. Làm sạch càng sớm càng tốt nha!

Sơn bị ô xi hóa, bạc màu vì tia UV (nhóm B)

UV có thể làm bạc màu từ sơn tới nhựa và cả cao su… Lớp sơn không được bảo vệ theo thời gian sẽ có màu đục hơn. Với một số xe quá cũ, cổ kính thì lớp sơn này trông như cái bảng phấn lau chưa kỹ ý.

sơn bị ô xi hóa, bạc màu

Nếu sơn bị ô xi hóa, bạc màu tức lớp đầu tiên (lớp bóng) của bề mặt sơn đã già, có vấn đề rồi. Để nó mới lại, mình phải bào mòn bớt lớp bóng này đi (nếu nó còn đủ dày). Còn nếu lớp bóng đã quá mỏng thì lời khuyên của tôi là tẩy hết, sơn lại và mang qua tôi đánh bóng cho mới nhất có thể.

Và để rút kinh nghiệm, xe mới mua nên phủ ceramic để sơn không bị bạc màu theo năm tháng nhé.

Lớp bóng sơn xe hỏng (nhóm B)

Sơn xe bạc màu, ô xi hóa rồi lớp bóng sơn xe sẽ bị hỏng. Đây là câu chuyện sớm muộn thôi. Lớp bóng mà đã hỏng rồi thì lớp màu cũng hỏng theo rồi đến lớp nền. Nhìn chung là bên ngoài đi hết. Ban đầu, bạn sẽ thấy những vùng trắng đục trên bề mặt sơn (thường xuất hiện trên nóc xe, capo). Sau đó, quá trình phân hủy bắt đầu. Lớp bóng bắt đầu bong tróc, đóng vảy. Cảm giác xe bạn như một con rắn đang lột da ý.

lớp bóng sơn xe bị hỏng khuyết tật sơn xe ô tô

Lỗi khuyết tật sơn xe ô tô này thường xảy ra trên các bề mặt ngang trước (nóc, capo. mặt cốp). Đơn giản vì khu vực này tiếp xúc với tia UV nhiều nhất. Ngoài ra, nó là chỗ hứng chịu các chất bẩn thỉu đọng lại (phân chim, ố nước,…).

Và cách xử lý với lỗi này đó là sơn lại. Hiệu chỉnh sơn khonog làm việc được trên lớp sơn mà chỉ bào mòn lớp bóng thôi. Lớp bóng hỏng thì phải thay thui.

Hạt bụi trong sơn (nhóm B)

hạt bụi trong sơn

Thường xảy ra với các xe đã sơn lại. Thông thường, nó làm dưới lớp bóng của sơn xe ô tô.

Lỗi này xảy ra khi xưởng sơn xe không được sạch bụi hoàn toàn. Khi sơn, đất, bụi trong không khí theo súng xịt sơn dính lên bề mặt. Đâu có ai rảnh lúc đó gắp ra cho bạn. Mọi người để vầy mà phủ lớp bóng lên thôi.

Mấy hạt này cũng ít. Bạn phải là người cực kỳ để ý thì may ra mới thấy. Và cũng có dịch vụ loại bỏ hạt bụi trong sơn. Nhưng tốt nhất không nên làm. Nếu một panel tầm 1 2 hạt thì chả sao cả. Nhưng nhiều quá thì tốt nhất mang đi sơn lại. Chi phí chắc chắn rẻ hơn dùng dịch vụ lấy hạt bụi trong sơn ra.

Vết chân quạ trên sơn (nhóm B)

vết chân quạ trên sơn khuyết tật sơn xe ô tô

Đây là hàng trăm đến hàng nghìn vết nứt nhỏ trên bề mặt sơn xe. Những vết nứt này để lâu sẽ lan rộng ra và lớp sơn dần sẽ toác ra. Công nghệ sơn xe ngày xưa hay bị như này. Ngày nay, xe có tình trạng thì nguyên nhân nằm ở:

  1. Xưởng sơn xe quá lởm.
  2. Công đoạn chuẩn bị để sơn làm quá ẩu.
  3. Vật liệu sơn chất lượng quá tồi.

Trong detailing thì vấn đề này vô phương cứu chữa. Anh em vui lòng mang xe đi sơn lại nha. Bắt đền người ta chứ còn gì. Mình trả đủ tiền mà.

Bọt khí trên sơn (nhóm B)

Cái này cũng rất tệ luôn. Trông sần sần như sơn mọc mụn vậy. Lỗi này không phải do khách hàng. Cũng phải do xưởng detailing. Đó là do xưởng sơn.

bọt khí trên sơn ô tô khuyết tật sơn xe ô tô

Sơn xe ô tô là sơn các lớp vật liệu khác nhau lên. Lớp nền được sơn đầu tiên. Lớp này cần có đủ thời gian để dung môi bay hơi trước khi sơn lớp màu lên. Ông nào vội vàng, chưa kịp cho lớp nền nghỉ ngơi đã sơn tiếp thì các bọt khí sẽ nổi lên. Cuối cùng là một lớp sơn sần sùi được ra đời.

Và cũng không có cách nào làm hiệu chỉnh sơn cho trường hợp này. Anh em đi bắt đền ông nào sơn ngáo thế không biết nha.

Tổng kết

Trên đây là những lỗi khuyết tật trên sơn xe ô tô mà tôi đã được thấy, trải nghiệm và xử lý. Hy vọng thông tin này có thể giúp bạn được nhiều hơn. Anh em học detailing cũng học được nhiều hơn. Khách hàng cũng tăng hiểu biết của mình lên hơn.

Và tôi đoán 23 loại trên vẫn chưa đủ. Nếu còn loại nào, anh em có thể nhắn tin cho tôi trên Facebook, Instagram. Nếu ở Hà Nội thì hãy gọi cho tôi đi trà đá.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài này!

Một bình luận trong “Khuyết tật sơn xe ô tô | 23 loại phổ biến nhất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển lên trên