Vệ sinh khoang máy | Quy trình đẩy đủ
Vệ sinh khoang máy là một trong những dịch vụ cần có khi làm workshop detailing. Có những xưởng chỉ chuyên làm dịch vụ này luôn. Họ làm cực kỳ chuyên nghiệp và cẩn thận. Lí do là khoang máy có rất nhiều chi tiết nhạy cảm không phải cứ xịt rửa bình thường là xong. Bài viết này sẽ viết đầy đủ quy trình vệ sinh khoang máy mà tôi được học tại Detailing Vietnam trong đầu năm 2022.
Anh em nào chưa biết tại sao phải làm vệ sinh khoang máy thì có thể đọc ở đây nhé.
Trước khi vệ sinh khoang máy
Kiểm tra tình trạng xe
Không chỉ kiểm tra tình trạng khoang máy mà cả ngoại thất nữa. Trước khi vệ sinh khoang máy, chúng ta sẽ cần rửa cả ngoại thất xe luôn. Tại sao? Vì khi khách mang xe đến cho mình, khoang máy sẽ rất nóng. Lúc này mà xịt nước vào khoang máy, hạ nhiệt đột ngột làm các chi tiết rất dễ hỏng, thậm chí là nứt vỏ động cơ và các linh kiện.
Cách kiểm tra ngoại thất tôi sẽ không đề cập ở đây. Với khoang máy, chúng ta sẽ kiểm tra hai mục chính:
- Xe có báo lỗi gì không. Tôi sẽ nổ máy để xem đồng hồ lái. Thử luôn cả đèn, xi nhan, gạt mưa. Nếu có lỗi thì sẽ chụp lại để báo với khách. Việc này tránh rủi ro làm xong rồi mới thấy lỗi. Lúc này không biết là lỗi do mình gây ra hay xe khách có từ trước.
- Tình trạng khoang máy. Có nhiều bụi bẩn hay không. Có dấu hiệu có chuột không. Có vết dầu nhớt xì ra không. Tổng thể khoang máy có chỗ nào thiếu ốc vít. Chỗ nào bị hỏng theo thời gian. Cao su chỗ nào đã bị mục. Nhựa có chỗ nào trầy xước . Dây điện có bị hở, đứt cái nào không. Nhìn chung, khu vực nào có vấn đề thì sẽ chụp lại báo cho khách. Việc này giảm rủi ro cãi nhau với khách sau khi làm, tăng uy tín của mình (thể hiện mình là người cẩn thận).
Sau khi khách thống nhất, xác nhận với mình tình trạng xe hiện có và đồng ý làm thì mới sang bước tiếp theo nhé.
Rửa ngoại thất xe
Lí do đã viết bên trên, anh em có thể kéo lên đọc. Mục đích chính là hạ nhiệt tổng thể xe và động cơ một cách từ từ. Anh em có thể áp dụng quy trình rửa xe 3 tiếng (bỏ mấy khâu hút bụi nội thất, lau dưỡng đi).
Chuẩn bị đồ dùng vệ sinh khoang máy
Hóa chất
- Chai xịt CarPro Lift.
- Chai xịt CarPro IronX.
- Chai xịt CarPro Spotless.
- Bình tạo bọt CarPro Lift.
- Bình tạo bọt CarPro IronX Snow Soap.
- Chai xịt CarPro Perl.
Thiết bị
- Máy hơi nước nóng.
- Đèn underhood.
Dụng cụ vệ sinh
- Bộ bàn chải cọ: Cọ sợi lông heo, sợi tre, bàn chải đánh răng cọ khe kẽ. Cọ chữ L để cọ ngóc ngách. Bàn chải đồng. Bàn chải nhôm. Chuẩn bị nhiều loại vì tùy mỗi kiểu vết bẩn sẽ dùng bàn chải tương ứng để làm sạch.
- Vài cái khăn Microfiber. Khoảng 5-6 cái.
- Bọc nilon.
- Băng keo vàng.
- Vải không sợ lông Visco.
- Nậy phe cài
Chỉnh áp suất của vòi xịt
Áp lực nước khi rửa khoang máy sẽ thấp hơn khi rửa xe ngoại thất. Cụ thể, mình sẽ chỉnh xuống mức 80 bar. Mục đích là để an toàn cho các chi tiết, linh kiện ở khu vực động cơ hơn. Giảm rủi ro cho chính bản thân mình.
Ok, giờ bắt đầu vào việc nha.
Các bước vệ sinh khoang máy chi tiết
Tháo các ốp nhựa khoang máy
Có nhiều xe có ốp khoang máy, ốp ắc quy,… để trang trí, chống ồn. Mấy cái ốp này thường xuất hiện trên xe sang (GX460, Merc S, Volvo,…). Các ốp này không phải vặn vít mà được cố định bằng chốt nhựa, vít nhựa (anh em có thể search Google). Các vít nhựa này khá dễ hỏng nếu tháo bằng tay không hoặc công cụ không chuyên.
Vì thế, anh em hãy dùng cái nậy phe cài đã chuẩn bị. Mua một cái tầm 100k thôi. Nậy tháo các tấm ốp ra. Nhớ là chốt nhựa của tấm nào thì để riêng ra cho nhớ nhé. Tốt nhất, trước khi tháo thì chụp ảnh lại đi. Các tấm ốp này thường làm bằng nhựa nên anh em có thể để riêng ra lát vệ sinh sau.
Bọc bảo vệ các chi tiết nhạy cảm
Một số chi tiết nhạy cảm đó là các khớp nối, giắc điện, họng hút gió, bình ắc quy và hộp cầu chì. Các giắc cắm điện khoang máy thì được làm dưới dạng chống nước hết rồi nhưng theo thời gian và tác động của nhiệt độ, ai biết nó còn chống nước hay không. Vì thế, anh em có thể bọc hết bằng băng keo.
Tiếp đến là họng hút gió. Xem thử bên trong có dị vật gì không thì lấy ra trước. Sau đó, nhét 1-2 cái khăn microfiber vào trong. Nếu nước có bắn vào thì khăn sẽ thấm hết. Yên tâm luôn.
Bình ắc quy và hộp cầu chì cũng rất nhạy cảm. Nó thuộc hệ thống điện của xe mà. Chập chờn tí là xe báo lỗi ngay. Không cần biết nghiêm trọng hay không nhưng cứ báo lỗi là khách khó chịu và mất niềm tin ở mình rồi. Vì thế, bọc trước với một lớp màng nilon. Dán băng keo để cố định lại trong khi xịt rửa. Cuối cùng là đắp lên bề mặt một lớp khăn microfiber.
Các khu vực hỏng hóc cũng cần được bọc lại, tránh lợn lành thành lợn què.
Tưới nước nhẹ capo và khoang máy
Nãy giờ rửa ngoại thất thì khoang máy cũng nguội kha khá rồi. Giờ mình làm nguội thêm một lượt nữa cho triệt để. Mình sẽ tưới nước nhẹ cả phần ốp nỉ cách âm dưới nắp capo và toàn bộ khoang máy luôn. Làm ướt cả mấy cái khăn microfiber (trừ cái trong họng hút gió) để khi xịt nước, khăn không bị lật, bay.
Xịt ngâm bọt tuyết làm mềm vết bẩn với CarPro Lift
Cũng như rửa ngoại thất, ngâm bọt làm mềm vết bẩn trước thì khi vệ sinh đỡ mệt hơn. Bình tạo bọt cần có núm chỉnh mực nước pha cùng hóa chất. Với vệ sinh khoang máy, mình sẽ chỉnh mực nước ở mức thấp nhất để bọt đặc, làm mềm vết bẩn nhanh và hạn chế nước vào trong khoang máy. Ngoài ra, cần xịt theo nhiều hướng , mặt khác nhau để các ngóc ngách cũng được ngâm bọt.
Thời gian ngâm bọt tuyết CarPro sẽ khoang 3-5 phút. Trong lúc này, mình có thể đi xả nước bên ngoài thân xe. Vì khi bắn bọt khoang máy, bên ngoài chắc chắn sẽ dính bọt thừa, để lâu không xịt là ố luôn.
Xả sạch hóa chất bọt tuyết với súng xịt áp lực
Áp lực súng là 80 bar nha. Khoảng cách xịt cũng xa hơn, từ 40-60 cm. Kiểu chủ yếu dùng hơi nước từ súng để đẩy hóa chất đi chứ không phải xịt nước. Mình cũng cần xịt nhiều mặt để tẩy rửa được các ngóc ngách. Các khu vực bằng kim loại, không gần những chi tiết nhạy cảm có thể xịt gần để làm sạch hơn.
Xịt bọt tuyết CarPro Lift lần hai
Bụi bẩn, dầu mỡ trong khoang máy đóng trên bề mặt khá lâu nên cần xịt thêm lần hai để làm sạch tốt hơn ý mà. Cách xịt cũng tương tự khi xịt lần đầu.
Vệ sinh khu vực dưới nắp capo
Trong lúc ngâm bọt làm mềm vết bẩn, mình có thể làm sạch dưới nắp capo trước. Sử dụng bàn chải cọ là chai xịt Lift để vệ sinh thôi. Các vết bẩn cứng đầu, vết ố thì có thể xịt Spotless (khả năng làm sạch mạnh hơn). Phần dưới nắp capo làm sạch khá dễ nên có thể làm luôn, tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, một vài xe do quá lâu không vệ sinh khoang máy nên phần nỉ cách âm có thể bị mốc, siêu bẩn. Lúc này mình cần tháo ra để vệ sinh với máy hút giặt. Còn không bẩn thì chỉ cần xịt vòi xịt áp lực lên là có thể đẩy chất bẩn ra ngoài rồi. Mà cũng không xịt gần quá như xịt khe kẽ ngoại thất đâu nhé. Bạn chỉ cần đi chậm là được.
Xả hóa chất lần hai với vòi xịt áp lực
Với phần dưới nắp capo, bạn xịt chậm chút để làm sạch lần cuối. Xịt xong phát này là làm xong khu vực capo rồi ấy. Phần nỉ cách âm nhớ đi chậm để đẩy được chất bẩn ra hoàn toàn. Còn lại thì cách xịt như bước xả hóa chất trước.
Xịt hóa chất tẩy mạt sắt CarPro IronX Snow Soap
IronX Snow Soap ngoài tẩy mạt sắt thì có cả khả năng tẩy dầu nhớt tuyệt vời. Cách xịt thì tương tự như với CarPro Lift. Phủ đều và xịt các mặt khác nhau để các khe kẽ cũng được ngâm tẩy.
Lắp đèn underhood để vệ sinh khoang máy tốt hơn
Ánh sáng tốt sẽ nâng chất lượng, hiệu suất của việc vệ sinh khoang máy lên rất nhiều.
Bắt đầu vệ sinh, làm sạch khoang máy
Mình không xả IronX Snow Soap đi mà làm vệ sinh thẳng nên trên đó. Thông thường, các chi tiết khoang máy sẽ dùng bàn chải tương ứng cùng chai xịt Lift để làm sạch. Vì khoang máy có rất nhiều chi tiết nhỏ, làm lâu nên mình cũng cần chia các panel khác nhau. Làm xong panel nào, xả nước nhẹ panel đó rồi sang panel tiếp theo. Làm vậy mới đỡ nản.
Với những vị trí ố, cặn đóng lâu ngày, dùng Lift thường sẽ không sạch. Lúc này, mình xịt Spotless lên và ngâm khoảng 1 phút rồi chà, đảm bảo sạch luôn. Lưu ý là hóa chất Spotless ăn mòn khá mạnh nên khi xả nước thì xả cả những chỗ xung quanh để đảm bảo rửa trôi hoàn toàn.
Những chỗ dính dầu mỡ dùng Lift ngâm cũng không sạch hoàn toàn mà cần tới CarPro IronX. Công thức đậm đặc của nó sẽ làm tan luôn các hạt dầu mỡ bám trên bề mặt.
Khu vực ắc quy, hộp cầu chì lúc này có thể được gỡ bọc ra để chà sạch. Xong xuôi, mình xả sạch hóa chất đi rồi lau khô, bọc lại như cũ. Như vậy mới đảm bảo an toàn cho mình.
Chỗ nào dính keo vào thì có thể dùng máy hơi nước nóng xịt trực tiếp lên để làm mềm vết bẩn. Sau đó chà để lất vết bẩn đi một cách dễ dàng.
Nhìn chung, bước này là mất nhiều thời gian nhất, bạn phải kiên nhẫn, cố gắng nha.
Xả sạch toàn bộ khoang máy với vòi xịt áp lực khi vệ sinh
Đẩy các hóa chất dư thừa đi hoàn toàn khỏi khoang máy, tránh để lại ố, lão hóa linh kiện. Áp lực vòi vẫn là 80 bar, khoảng cách từ 40-60 cm.
Gỡ băng keo, bọc và lau khô
Anh em gỡ hết tất cả các loại bọc ra trừ những chỗ bị thủng và họng hút gió thì gỡ sau.
Lau khô toàn bộ khoang máy. Bạn lau khô khoảng 70-80% là được rồi. Lí do là mình sẽ dưỡng khoang máy nữa mà dưỡng hóa chất này khá ưa nước.
Các ngóc ngách sâu không đưa khăn tới được có thể làm khô bằng vòi hơi. Khi xịt thì nhớ chắn với khăn microfiber, tránh để nước bắn lung tung lại mất thời gian lau lại tiếp.
Bạn cũng nhớ xịt luôn cả các giắc điện và xịt theo hướng ngược với đầu cắm vào để đẩy hết nước ra ngoài.
Dưỡng khoang máy với CarPro Perl khi vệ sinh xong
Các chi tiết nhựa đen, cao su mà được dưỡng với Perl thì thành màu đen bóng mờ cực đẹp. Ngoài ra lớp dưỡng này cũng làm vật liệu bền hơn nữa.
Với khoang máy, mình sẽ dưỡng các ngóc ngách trước. Xịt trực tiếp Perl ở dạng phun sương lên bề mặt các ngóc ngách. Sau đó, dùng vòi hơi để đẩy hóa chất lan xuống bên dưới.
Với bề mặt khoang máy, xịt Perl lên vải visco và lau đều các panel. Các chi tiết nhựa, dây điện, ron cao su cũng dưỡng được luôn nhé. Nhìn chung là dưỡng hết trừ kim loại.
Cái phần dưới nắp capo cũng có chút cao su. Anh em đừng quên mà dưỡng luôn phần này nha.
Làm sạch các tấm ốp nhựa, ốp nỉ cách âm (nếu có)
Bước này làm nhanh lắm. Ốp nhựa thì xịt bọt tuyết CarPro Lift lên ngâm, chà sạch với bàn chải rồi xả sạch đi là xong. Mấy cái ốp nhựa này cũng thuộc kiểu bề mặt phẳng nên làm rất dễ.
Ốp nỉ cách âm thì bạn có thể hút giặt. Bao sạch thơm tho luôn.
Dưỡng ốp khoang máy với CarPro Perl
Các phần ốp này cũng làm bằng nhựa mà nên dưỡng lên cho đẹp bền nha. Dùng Perl xịt lên vải Visco rồi lau thôi.
Sau khi vệ sinh khoang máy
Kiểm tra khoang máy xem còn chỗ nào chưa sạch
Thông thường, khoang máy còn ướt thì rất khó nhìn ra chỗ mình làm sót. Thời gian cọ rửa ốp động cơ sẽ là lúc chờ để khoang máy khô đi chút. Theo kinh nghiệm của mình thì chủ yếu trên bề mặt là sạch được hết rồi. Có các chỗ ngóc ngách ở sâu phía dưới sẽ vẫn còn bụi bẩn. Lúc này có thể nhờ một bạn đứng cầm vòi xịt áp lực dài, mình cầm đầu vòi luôn vào khu vực đó để vệ sinh. Sau đó, lau khô nước bị bắn lên trên.
Còn nếu có chỗ nào trên bề mặt vẫn còn bẩn thì phải vệ sinh lại với bàn chải và chai xịt Lift. Cọ xong không xả với nước mà lau sạch với khăn microfiber và dưỡng Perl lại. Khách hàng trả tiền đủ mà. Mình phải làm cho tốt.
Gỡ nốt băng keo ở các chi tiết thủng và lấy khăn khỏi họng hút gió
Nổ máy kiểm tra xem xe có báo lỗi không
Cách kiểm tra như bước ‘Kiểm tra tình trạng xe’ thôi. Mong là không có lỗi nào. Nếu có thì lại phải xem lỗi gì mà xử lý thôi chứ biết sao. Thường sẽ là lỗi báo hệ thống điện hoặc ắc quy. Tiếc là mình chưa gặp bao giờ. Bởi vì mình toàn bọc kín hết các phần điện rồi mà.
Lắp đặt ốp nhựa lại như cũ
Nhớ mấy cái vít nhựa, chốt nhựa của phần nào thì lắp chuẩn nha.
Chụp ảnh thành quả vệ sinh khoang máy và đóng nắp capo
Quy trình kết thúc ở đây rồi anh em.
Tổng kết
Nếu bạn là khách hàng đọc được bài này, tôi mong bạn hiểu được tại sao làm vệ sinh khoang máy lại đắt thế. Có rất nhiều rủi ro khi vệ sinh khoang máy. Và hàng giá rẻ không phải hàng tốt.
Nếu bạn là kỹ thuật viên, hãy đọc kĩ quy trình và nếu được, có thể giúp tôi tối ưu quy trình hơn. Làm thế nào để tiết kiệm thời gian hơn? Làm gì để sạch hơn? Kiểu vậy. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây.